Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

Công Ty Có Được Cho Vay Tiền Hay Không?

Hiện nay, hàng loạt các công ty thực hiện hoạt động cho vay tiền, họ cho vay có thể là thu lợi nhuận hoặc có thể giúp các cá nhân, công ty khác vượt qua khó khăn về nguồn vốn. Tuy nhiên, các công ty thực hiện hoạt động cho vay thường đặt ra câu hỏi: Liệu công ty có được cho vay tiền hay không? Dưới đây là phần trình bày về vấn đề trên.
Quy định về việc vay tiền của công ty (ảnh: Internet)

Quy định của pháp luật về quyền kinh doanh của doanh nghiệp?
Theo quy định của pháp luật mà cụ thể là Điều 7 Luật doanh nghiệp năm 2014 đã quy định chi tiết về quyền của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có quyền:
·        Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.
·        Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
·        Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
·        Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
·        Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
·        Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh.
·        Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.
·        Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
·        Từ chối yêu cầu cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
·        Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
·        Tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
·        Quyền khác theo quy định của luật có liên quan.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 12, khoản 16 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 thì cho vay là một trong những hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Do vậy, doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng không được tiến hành hoạt động kinh doanh là cho vay.
Như vậy, doanh nghiệp được tự do tiến hành hoạt động cho vay, nhưng không được xem là hoạt động kinh doanh mà là một hoạt động cho vay riêng lẻ hay nói cách khác là cho vay dân sự nhằm đạt được mục đích và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Điều này là đúng với suy nghĩ của nhà làm luật về quyền được lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn của doanh nghiệp và không vi phạm điều cấm của pháp luật.
Điều kiện để công ty được tiến hành hoạt động cho vay?
Một công ty được tiến hành hoạt động cho vay hay cụ thể ở đây là cho vay tiền thì phải tuân thủ các điều kiện sau:
Điều kiện để công ty tiến hành hoạt động cho vay (ảnh: internet)
Thứ nhất là hình thức chuyển khoản vay.
Theo khoản 2 điều 3, khoản 1 điều 4 Thông tư 09/2015/TT-BTC thì công ty thực hiện hoạt động cho vay tiền phải sử dụng các hình thức chuyển khoản vay sau:
·        Thanh toán bằng Séc;
·        Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
·        Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
Từ quy định trên cho thấy, doanh nghiệp được cho vay tiền nhưng phải sử dụng các hình thức chuyển khoản trên mới đúng theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi tiến hành cho vay.
Thứ hai là lãi suất cho vay.
Theo điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất cho vay như sau:
·        Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ cho vay. Tuy nhiên, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (tương đương với mỗi tháng không được vượt quá 1,666% lãi suất), trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
·        Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại thời điểm trả nợ. Tức là 10%/năm.
Như vậy, công ty được cho vay tiền nhưng phải đáp ứng được các điều kiện về hình thức chuyển khoản và lãi suất cho vay.

Người Nào Được Miễn Giảm Án Phí Khi Đi Kiện Ở Tòa?

Pháp luật quy định khi đi kiện ở tòa, đương sự đưa ra yêu cầu hoặc mỗi bên đương sự phải chịu án phí theo yêu cầu hoặc theo giá trị tài sản của mình. Vậy, có phải tất cả các trường hợp khi đi kiện ở tòa đều phải nộp tạm ứng án phí, án phí. Có người nào được miễn giảm án phí khi đi kiện ở tòa không?
Quy định về miễn giảm án phí khi đi kiện (ảnh: internet)

Giới thiệu sơ bộ về việc nộp tạm ứng án phí khi đi khởi kiện?

Dựa vào hướng suy nghĩ của nhà làm luật và theo từ điển Luật học thì án phí dân sự là số tiền đương sự phải nộp ngân sách Nhà nước khi vụ án dân sự được Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, để đảm bảo việc khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự có căn cứ, pháp luật quy định những người có yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc đều phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Việc nộp tiền tạm ứng án phí, án phí khi đi khởi kiện có vai trò quan trọng nhằm mục đích để các đương sự có trách nhiệm hơn về việc khiếu kiện,yêu cầu của mình nhằm tránh những yêu cầu tràn lan, vô căn cứ, gây ảnh hưởng đến công tác hoạt động của cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó là bù đắp một phần nào đó cho ngân sách Nhà nước.
Theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định:
Thứ nhất, tiền tạm ứng án phí bao gồm tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. (điều 5 nghị quyết 326/2016/UBTVQH14)
Thứ hai, án phí bao gồm án phí sơ thẩm (đối với án phí dân sự được chia thành án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch và án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch) và án phí phúc thẩm được phân thành các loại án phí sau (Điều 3 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14):
·        Án phí hình sự;
·        Án phí dân sự gồm có các loại án phí giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động;
·        Án phí hành chính.
Thứ ba, về mức án phí được quy định cụ thể tại danh mục án phí, lệ phí tòa án được ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Mức tiền tạm ứng án phí được xác định dựa theo số tiền án phí tạm tính mà đương sự phải nộp theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Cụ thể là:
·        Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.
·        Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án dân sự bằng mức án phí dân sự phúc thẩm.
·        Mức tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm bằng mức án phí hành chính sơ thẩm. Mức tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm bằng mức án phí hành chính phúc thẩm. Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án hành chính bằng mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm.
·        Đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức tạm ứng án phí bằng 50% mức tạm ứng án phí như đã liệt kê trên.

Các trường hợp được miễn nộp án phí?

Theo điều 12 nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định những trường hợp được miễn nộp án phí, tạm ứng án phí gồm:

Các trường hợp được miễn nộp tiền án phí (ảnh: internet)

·        Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
·        Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
·        Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
·        Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
·        Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định, của Nghị quyết này. Phần án phí mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp.

Các trường hợp được giảm nộp án phí?

Theo điều 13 nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định những trường hợp được giảm nộp án phí, tạm ứng án phí gồm:
·        Người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí, án phí có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú thì được Tòa án giảm 50% mức tạm ứng án phí, án phí mà người đó phải nộp.
·        Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được giảm tiền án phí thì Tòa án chỉ giảm 50% đối với phần án phí mà người thuộc trường hợp được giảm tiền án phí phải chịu theo quy định của Nghị quyết này. Phần án phí mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được giảm.