Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

Người Làm Chứng Không Khai Báo Trong Vụ Án Hình Sự Thì Bị Xử Lý Thế Nào?

Người làm chứng (nhân chứng) là người biết về một tình tiết nào đó có ý nghĩa cho việc điều tra, xét xử vụ án và được cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập tham gia vào vụ án để trình bày lời khai của mình. Trong khi đó, hoạt động của tội phạm ngày càng nguy hiểm hơn trong việc báo thù, đe dọa, hành hung người làm chứng nên người làm chứng thường ít ra làm chứng hoặc khai báo chịu sự tác động của nhiều yếu tố chủ quan cũng như khách quan, thậm chí là không khai báo. Theo quy định của pháp luật thì người làm chứng không khai báo trong vụ án hình sự thì bị xử lý thế nào?
Người làm chứng trong tố tụng hình sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Những người là người bào chữa của người bị buộc tội; người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn thì không được làm người làm chứng (khoản 2 Điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Nhiều người nhầm lẫn giữa hai khái niệm người làm chứng và người chứng kiến. Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự ( Điều 176 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015). Vai tò của người làm chứng và người chứng kiến là khác nhau. Cụ thể:

  • Người làm chứng có vai trò:
  • Biết được tình tiết liên quan đến vụ án, tội phạm và được cơ quan có thẩm quyền triệu tập đến làm chứng;
  • Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự;
  • Cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.

Trong khi đó, người chứng kiến có vai trò:

  • Được mời để chứng kiến hoạt động điều tra trong các trường hợp do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định;
  • Người chứng kiến có trách nhiệm xác nhận nội dung, kết quả công việc mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã tiến hành trong khi mình có mặt và có thể nêu ý kiến cá nhân. Ý kiến này được ghi vào biên bản.
  • Một số trường hợp phải có 02 người chứng kiến (khoản 1, 2, 4 Điều 195 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).

Nghĩa vụ của người làm chứng
Người làm chứng trong tố tụng hình sự có quyền và nghĩa vụ được quy định cụ thể tại Điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Trong đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì người làm chứng có nghĩa vụ sau đây:
  • Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
  • Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.
Người làm chứng không khai báo trong vụ án hình sự thì bị xử lý thế nào?
Người làm chứng thì phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án.
Trường hợp không có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt tại phiên tòa gây trở ngại cho việc xét xử vụ án hình sự thì có thể bị dẫn giải theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó, quy định tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa xét xử vụ án hình sự (việc dẫn giải sẽ không được bắt đầu vào ban đêm; trường hợp là người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế thì không bị dẫn giải).
Mặt khác, tại Điều 383 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định người làm chứng từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người làm chứng từ chối khai báo thì có thể bị xử lý hình sự.
Trên đây là bài viết về vấn đề “Người làm chứng không khai báo trong vụ án hình sự thì bị xử lý thế nào?”
Hãy liên hệ với Luật sư của chúng tôi nếu bạn đang có thắc mắc và cần giải quyết các vấn đề về pháp luật: Luật sư Phan Mạnh Thăng. Hotline: 0908748368.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét