Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

Thủ tục khởi kiện quyết định thu hồi đất?

Trong những năm trở lại đây, số vụ án hành chính liên quan đến khiếu kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và các tài sản gắn liền với đất có xu hướng gia tăng và chiếm một tỷ lệ cao trong tổng số vụ việc hành chính. Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích của chính cá nhân, tổ chức khi không đồng ý với mức bồi thường, hỗ trợ nhận được. Thông qua bài biết dưới đây chúng tôi sẽ phân tích và làm rõ hơn Thủ tục khởi kiện quyết định thu hồi đất theo luật pháp hiện hành.
Mối quan hệ giữa quyết định thu hồi đất và quyết định hành chính
Theo quy định tại Điều 66 Luật Đất đai 2013, cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất là cơ quan hành chính ở địa phương, cụ thể là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Vì vậy, quyết định thu hồi đất là văn bản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện ban hành trong hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực Đất đai ở địa phương mà chính cơ quan ấy quản lý. Cho nên căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015, quyết định thu hồi đất là một hình thức của quyết định hành chính được áp dụng đối với đối tượng bị thu hồi đất.
Ai có quyền khiếu kiện và điều kiện khiếu kiện?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 115 Luật TTHC 2015, cơ quan, tổ chức và cá nhân có quyền khởi kiện quyết định thu hồi đất nếu như không đồng ý với quyết định này. Chủ thể khởi kiện phải có năng lực tố tụng hành chính nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính. Tuy nhiên, đương sự là người dưới 18 tuổi, mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, hoặc khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì có thể khởi kiện thông qua người đại diện.
Khi khởi kiện quyết định hành chính phải lưu ý tới ngày ban hành quyết định thu hồi đất này. Bởi lẽ, nếu hết thời hiệu khởi kiện thì quyền khởi kiện của chúng ta cũng không còn, theo đó khoản 2 Điều 116 Luật TTHC 2015 quy định “Thứ nhất, 01 năm kể từ ngày biết được hoặc nhận được quyết định thu hồi đất. Thứ hai, trường hợp trước đây người khởi kiện đã khiếu nại quyết định thu hồi đất thì thời hiệu là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai.”.
Ngoài ra, lưu ý rằng là quyết định thu hồi đất được ban hành bởi Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh, vì vậy căn cứ khoản 3, 4 Điều 32 Luật TTHC 2015 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới với Ủy ban cơ quan đã ban hành quyết định thu hòi đất.
Trình tự, thủ tục khởi kiện quyết định thu hồi đất
Trước hết, người khởi kiện phải làm Đơn khởi kiện bao gồm các nội dung: “Ngày, tháng, năm làm đơn; Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính; Tên, địa chỉ; số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính; Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có); Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết; Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại”. Khi nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện phải kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. 

Tiếp theo, Tòa án sẽ tiến hành quá trình nhận và xét đơn khởi kiện, trong thời hạn 06 ngày làm việc Tòa án sẽ ban hành một trong các quyết định tại khoản 3 Điều 121 Luật TTHC 2015 như: “Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn; Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;  Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện”. Nếu như Tòa án tiến hành thụ lý vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày lụ lý. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, thẩm phán được phân công phải tiến hành thù tục đối thoại, tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện vẫn giữ yêu cầu khởi kiện, người bị kiện giữ nguyên quyết định, hành vi bị khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vẫn giữ nguyên yêu cầu thì Thẩm phán tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử vụ án.
Như vậy, trường hợp tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định thu hồi đất thì có quyền khởi kiện tại Tòa án cấp tỉnh. Tuy nhiên, người khởi kiện phải có năng lực hành vi dân sự và phải chú ý đến thời hiệu khởi kiện để bảo đảm vẫn còn quyền khởi kiện. Sau đó, Tòa án sẽ tiến hành xem xét đơn khởi kiện và qua quá trình đối thoại sẽ quyết định có đưa vụ án ra xét xử hay không.
Trên đây là nội dung tư vấn về Thủ tục khởi kiện quyết định thu hồi đất. Trường hợp Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc về nội dung bài viết hay cần hỗ trợ pháp luật, vui lòng liên hệ Luật sư Phan Mạnh Thăng qua hotline 0908 748 368 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét