Thủ tục làm lại giấy khai sinh gốc là thủ tục hành chính, diễn ra khi cá nhân, vì nhiều lí do khách quan lẫn chủ quan, làm thất lạc Giấy khai sinh bản gốc hoặc một số giấy tờ để làm giấy khai sinh và có nhu cầu muốn LÀM LẠI Giấy khai sinh gốc. Quy trình thực hiện này có điểm nào đáng lưu ý. Hồ sơ đăng ký lại khai sinh bao gồm những gì. Mời quý khách hàng theo dõi bài viết này để có cái nhìn rõ nét hơn về quy trình, thủ tục làm lại giấy khai sinh gốc.
Giấy khai sinh được coi là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân
Giấy khai sinh là gì?
Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân, đóng vai trò rất quan trọng vì đó là căn cứ để thực hiện các quyền lợi khác của công dân như: đăng ký hộ khẩu, làm thẻ bảo hiểm y tế, làm chứng minh nhân dân…
Điều kiện đăng ký lại khai sinh
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch 2014, cá nhân khi đăng ký lại khai sinh cần đáp ứng những điều kiện sau :
- Việc khai sinh đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
- Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.
- Việc đăng ký lại khai sinh chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.
Thủ tục đăng ký lại khai sinh
Hồ sơ đăng ký lại khai sinh
Khoản 1 Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm các giấy tờ sau đây:
- Tờ khai theo mẫu quy định;
- Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó;
- Cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh gồm: Họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha – con, mẹ – con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.
Giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh theo quy định tại Điều 9 Thông tư 15/2015/TT-BTP gồm một trong các loại sau:
- Bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (bản sao được công chứng, chứng thực hợp lệ, bản sao được cấp từ Sổ đăng ký khai sinh);
- Bản chính hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay thế Giấy khai sinh được cấp trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam;
- Giấy Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh về nơi cư trú; Bằng tốt nghiệp, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ, Học bạ, Hồ sơ học tập do cơ quan đào tạo, quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận;…
Hồ sơ đăng ký lại khai sinh được quy định tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP
>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký khai sinh lưu động
Thẩm quyền đăng ký lại khai sinh
Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú, thực hiện đăng ký lại khai sinh.
Thời gian giải quyết cấp lại khai sinh
- Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ. Nếu việc đăng ký lại khai sinh là đúng theo quy định của pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện đăng ký lại khai sinh.
- Nếu việc đăng ký lại khai sinh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký khai sinh trước đây thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký khai sinh trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.
- Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký khai sinh trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.
- Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký khai sinh, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại khai sinh.
Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền đăng ký lại khai sinh
Lệ phí đăng ký lại khai sinh
Theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC có quy định về lệ phí hộ tịch:
Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương mà quy định mức thu cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc miễn lệ phí hộ tịch theo quy định tại Điều 11 Luật hộ tịch.
Chẳng hạn:
- Ở Thành phố Hà Nội: Nghị quyết 20/2016/NQ-HĐND quy định mức lệ phí đăng ký lại khai sinh là 5.000đồng/1 việc tại UBND cấp xã, 50.000 đồng/1 việc tại UBND cấp huyện.
- Ở Thành phố Hồ Chí Minh: mức thu đăng ký lại khai sinh tại UBND cấp xã là 5.000 đồng/trường hợp, cấp huyện là 50.000 đồng/trường hợp theo Nghị quyết 124/2016/NQ-HĐND do Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành.
>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký khai sinh cho con khi cha mẹ chưa đăng ký kết hôn
Trên đây là bài viết quy định về Thủ tục làm lại giấy khai sinh gốc. Trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc cũng như có nhu cầu tư vấn, hãy liên hệ ngay với LUẬT SƯ HÀNH CHÍNH theo HOTLINE 1900.63.63.87 để được phía công ty chúng tôi tư vấn luật hành chính chi tiết. Xin cảm ơn.
Nguồn: Thạc Sĩ – Luật Sư Phan Mạnh Thăng – Luật Long Phan PMT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét