Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Bạc Liêu: Kháng nghị Giám đốc thẩm vụ tranh chấp đất kéo dài tại huyện Hồng Dân

 Liên quan vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa gia đình ông Quách Văn Phúc (nguyên đơn) với vợ chồng ông Quách Văn Lực (bị đơn), Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm đối với Quyết định Giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM.

Nhiều sai sót được chỉ ra


Trước đó, Pháp luật plus có bài viết “Bạc Liêu: Nghi vấn một bản án có dấu hiệu vi phạm tố tụng”, phản ánh những dấu hiệu thiếu khách quan và vi phạm tố tụng tại bản án phúc thẩm số 43/2017/DS-PT ngày 19/5/2017 của TAND tỉnh Bạc Liêu trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa gia đình ông Quách Văn Phúc (nguyên đơn) với vợ chồng ông Quách Văn Lực (bị đơn), xảy ra tại huyện Hồng Dân.

Vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đã ban hành Quyết định số 14/QĐKNGĐT-VKS-DS kháng nghị Giám đốc thẩm đối với Quyết định Giám đốc thẩm số 63/2019/DS-GĐT ngày 4/4/2019 của TAND Cấp cao tại TP HCM.
Theo quyết định kháng nghị trên, Viện trưởng VKSNDTC đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử Giám đốc thẩm theo hướng hủy Quyết định Giám đốc thẩm số 63/2019/DS-GĐT, hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 43/2017/DS-PT của TAND tỉnh Bạc Liêu và Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2017/DS-ST của TAND huyện Hồng Dân, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Hồng Dân xét xử lại theo đúng quy định pháp luật; Tạm đình chỉ thi hành quyết định Giám đốc thẩm nêu trên đến khi có quyết định Giám đốc thẩm của TAND Tối cao.

Theo VKSNDTC, phần đất tranh chấp có diện tích hơn 15.000 m2, tại ấp Ninh Chùa, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân có nguồn gốc của ông Quách Văn Chánh (ông nội ông Phúc) để lại cho vợ chồng ông Phúc, bà Nguyễn Thị Sơn. Ngày 12/4/1994, ông Phúc được UBND xã Ninh Quới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (mẫu “tất đất tất vàng”, sau đây gọi tắt là GCNQSDĐ). Ngày 01/01/1996, ông Phúc tiếp tục được UBND huyện Hồng Dân cấp GCNQSDĐ.

Vợ chồng ông Phúc cho rằng, năm 1990 có vay nợ của vợ chồng ông Lực, bà Út (bố mẹ chị Huyền) số tiền 3.000.000 đồng. Đến năm 1992, tính lãi lên 15.000.000 đồng nên phải cố đất trên cho vợ chồng ông Lực với giá 31,5 chỉ vàng 24k. Hai bên có làm giấy tay không thỏa thuận thời hạn cố đất, lúc nào có tiền thì chuộc. Nay giấy tay đã thất lạc.

Sau khi cố đất, vợ chồng ông Phúc đi làm ăn tại Cà Mau. Năm 2008, vợ chồng ông về chuộc lại đất. Tuy nhiên, vợ chồng ông Lực không thừa nhận việc cố đất mà cho rằng vợ chồng ông Phúc chuyển nhượng cho con gái ông bà là chị Huyền. Chị Huyền cho rằng, ngày 21/01/1994, chị trực tiếp giao dịch chuyển nhượng QSDĐ với vợ chồng ông Phúc diện tích đất trên với giá 31,5 chỉ vàng 24k; Khi chuyển nhượng, hai bên có làm giấy tay, có người làm chứng và xác nhận của chính quyền địa phương.

Ngày 7/8/1997, chị Huyền được cấp GCNQSDĐ. Vợ chồng chị sử dụng đất ổn định từ năm 1994 đến khi có tranh chấp hơn 15 năm.

Sau khi bản án phúc thẩm năm 2011 (tuyên phía ông Lực thua kiện - PV) có hiệu lực pháp luật thì vợ chồng chị Huyền, anh Trần Thanh Dũng bị cưỡng chế buộc phải giao phần đất trên cho vợ chồng ông Phúc. Vợ chồng ông Phúc sử dụng đất từ năm 2011 đến nay.

Phần đất nhiều năm xảy ra tranh chấp giữa 2 gia đình.

Quá trình giải quyết vụ án, vợ chồng chị Huyền cung cấp: “Đơn xin chuyển nhượng ruộng đất” ngày 21/01/1994, “Đơn xin giao đất” ngày 8/01/1984 và “Đơn xin giao đất” ghi 881194 giữa chị và vợ chồng ông Phúc.

VKSNDTC nhận định, đối với “Đơn xin chuyển nhượng ruộng đất” ngày 21/01/1994 giữa vợ chồng ông Phúc và chị Huyền thấy rằng: Hình thức chuyển nhượng của hợp đồng có chữ ký của bên bán ông Phúc, bà Sơn và chữ ký bên mua là chị Huyền, tuy nhiên ông Phúc, bà Sơn không thừa nhận đã ký. Tại Kết luận giám định số 50/GĐ-2009 của Cơ quan giám định hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu và Kết luận giám định số 1280/C54B của Phân viện khoa học hình sự thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm tại TP HCM đều kết luận không khẳng định được chữ kí là của ông Phúc, bà Sơn.

Do đó không đủ căn cứ để chứng minh “Đơn xin chuyển nhượng ruộng đất” ngày 21/01/1994 là do vợ chồng ông Phúc, bà Sơn ký. Thực tế, năm 1994 vợ chồng ông Phúc được UBND xã Ninh Quới cấp GCNQSDĐ và GCN trên vợ chồng ông Phúc vẫn đang giữ nên không có cơ sở khẳng định vợ chồng ông Phúc chuyển nhượng đất cho chị Huyền.

Ngoài ra, các nhân chứng là ông Trương Minh Trường, ông Trương Công Nhâm đều cho rằng không trực tiếp chứng kiến việc chuyển nhượng đất giữa ông Phúc, bà Sơn với chị Huyền; Ban nhân dân Ấp do ông Nguyễn Hoàng Ân xác nhận ngày 25/01/1994 và UBND xã do ông Phạm Thành Tâm xác nhận ngày 28/5/1994 đều xác định có ký vào giấy chuyển nhượng trên nhưng không nhớ là ai mang đến cho ký, khi ký không có mặt các bên chuyển nhượng nên không có giá trị chứng minh.

Đối với “Đơn xin giao đất” ngày 8/01/1984 và “Đơn xin giao đất” ghi 881194 có chữ ký của ông Phúc. Theo chị Huyền, 2 đơn này do ông Phúc ghi lại, ông Phúc ghi nhiều lần không được mới kêu chị ghi lại “Đơn xin chuyển nhượng ruộng đất” ngày 21/01/1994. Quá trình giải quyết vụ án, ông Phúc không thừa nhận đã ghi các giấy này, trong khi đó 2 đơn xin giao đất trên mâu thuẫn với “Đơn xin chuyển nhượng ruộng đất” ngày 21/01/1994. Do đó không có cơ sở xác định ông Phúc, bà Sơn ghi giấy giao đất năm 1984 như lời trình bày của chị Huyền.

Đối với GCNQSDĐ đã cấp cho ông Phúc ngày 01/01/1996 và cấp cho chị Huyền ngày 07/8/1997, cụ thể GCNQSDĐ đã cấp cho ông Phúc có tổng diện tích 16.625m2 gồm 4 thửa: thửa 435, 539, 637, 679 đều thuộc tờ bản đồ số 3; GCNQSDĐ cấp cho chị Huyền có tổng diện tích 13.675m2 gồm 3 thửa: 435, 539, 679 đều thuộc tờ bản đồ số 3. Như vậy, ông Phúc và chị Huyền cùng được cấp GCNQSDĐ 3 thửa đất giống nhau, gồm 435, 539, 679. Hai GCNQSDĐ trên đều được cấp trong cùng một Quyết định 174/QĐ-UB ngày 29/6/1994 của UBND huyện Hồng Dân.

Tại Công văn số 07/UBND ngày 13/11/2011, UBND huyện Hồng Dân xác định: Theo cung cấp của Trung tâm thông tin Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho chị Huyền là không có hồ sơ… Do đó việc cấp GCN trên cho chị Huyền là sai quy định.

Cũng tại công văn trên, UBND huyện Hồng Dân xác định: “…việc cấp GCNQSDĐ cho ông Phúc là đúng quy định pháp luật”.

Vợ chồng ông Phúc nhiều năm qua vẫn kiên trì đi khiếu nại.

VKSNDTC cũng chỉ rõ, Quyết định Giám đốc thẩm căn cứ vào số tiền ông Phúc nhận của chị Huyền tương đương với giá trị chuyển nhượng năm 1994 để cho rằng ông Phúc chuyển nhượng đất cho chị Huyền, tuy nhiên, trên cơ sở tài liệu chứng cứ do chị Huyền cung cấp không đủ cơ sở xác định diện tích đất tranh chấp là do ông Phúc chuyển nhượng cho chị Huyền. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định đây không phải là giao dịch chuyển nhượng QSDĐ cũng như giao dịch cầm cố đất là không chính xác.

“Lẽ ra phải xác định đây là giao dịch cầm cố đất bởi từ khi cầm cố đất, ông Phúc chưa bao giờ từ bỏ quyền sử dụng đất của mình, bằng chứng là ông kê khai đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQDSĐ. UBND huyện Hồng Dân cũng khẳng định việc cấp giấy cho ông Phúc là đúng với quy định của pháp luật”, Quyết định kháng nghị của VKSNDTC nêu rõ.

Luật sư nói gì?


Theo Luật sư Phan Mạnh Thăng, Giám đốc Công ty Luật Long Phan PMT – Đoàn Luật sư TP HCM phân tích:

Những “lỗ hổng” trong quá trình giải quyết vụ án kéo theo việc “bỏ lọt” nhiều tình tiết, chứng cứ quan trọng của Tòa án đã đủ căn cứ để Kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm tại Khoản 1 Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS). Mặt khác, thời hạn kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSNDTC đảm bảo trong khoảng thời gian từ 3 năm kể từ ngày Quyết định Giám đốc thẩm số 63/2019/DS-GĐT có hiệu lực pháp luật.

Khi đã đáp ứng đủ điều kiện nói trên, trong thời gian 4 tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, theo Điều 339 BLTTDS 2015, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ tiến hành mở phiên tòa Giám đốc thẩm để xét kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC.

“Với niềm tin “cán cân công lý”, tránh để tình trạng oan sai do “án tại hồ sơ”, tôi hy vọng phiên xét xử Giám đốc thẩm sẽ xem xét cẩn trọng, đánh giá vụ án một cách khách quan, toàn diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, Luật sư Phan Mạnh Thăng cho biết.

Liên quan vụ án, sau khi nghiên cứu hồ sơ, đã có 3 luật sư, gồm: Luật sư Phan Mạnh Thăng - Giám đốc Công ty Luật Long Phan PMT, Luật sư Hà Ngọc Tuyền – Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Tuyền và Luật sư Võ Thiện Hiển - Công ty Luật TNHH Apolo Lawyers (Đoàn Luật sư TP HCM) đã gửi nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan tố tụng xem xét hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu và Quyết định Giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM nêu trên.

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét