Thủ tục định giá tài sản là một thủ tục quan trọng phục vụ cho Tòa án giải quyết tranh chấp dân sự. Tuy nhiên việc xác định ai là người phải chịu trách nhiệm thanh toán phí định giá đang là thắc mắc của nhiều người. Trong nội dung bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nội dung trên.
Các biện pháp thu thập chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp dân sự.
Có rất nhiều biện pháp thu thập chứng cứ phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án. Đối với những tranh chấp khác nhau thì sẽ phải thu thập những chứng cứ khác nhau.
Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự tại Điều 94:
Nguồn của chứng cứ bao gồm
- Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
- Vật chứng.
- Lời khai của đương sự.
- Lời khai của người làm chứng.
- Kết luận giám định.
- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
- Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
- Văn bản công chứng, chứng thực.
- Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Những chứng cứ này có thể do các đương sự cung cấp, do Tòa án thu thập thông qua những nghiệp vụ có liên quan, hoặc thông qua con đường ủy thác tư pháp.
Định giá tài sản được thực hiện như thế nào và khi nào?
Việc định giá tài sản là một trong những bước thu thập chứng cứ quan trọng phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án. Việc định giá tài sản sẽ giúp cho Tòa án có thêm căn cứ xác định được giá trị thực tế của tài sản tranh chấp.
Định giá tài sản được quy định tại Điều 104 BLTTDS 2015 và được thực hiện trong các trường hợp:
- Các bên đương sự tự thỏa thuận với nhau lựa chọn tổ chức định giá tài sản khi không thống nhất được việc xác định giá trị tài sản tranh chấp trong lĩnh vực đất đai;
- Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;
- Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;
- Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.
Sau khi quyết định tiến hành thủ tục định giá tài sản, Tòa án sẽ tiến hành thành lập Hội đồng định giá tài sản theo quy định của pháp luật để tiến hành định giá một cách chính xác và khách quan.
Việc định giá phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản.
Các bên đương sự có quyền yêu cầu định giá lại trong trường hợp có căn cứ chứng minh lần định giá trước được thực hiện không đúng quy định, không chính xác và khách quan.
Ai là người phải đóng phí định giá tài sản theo quy định của pháp luật?
Khi tiến hành việc định giá, cần phải mất một khoản phí cho tổ chức tiến hành định giá. Theo quy định của pháp luật, đương sự phải trả phí định giá thông qua thông báo đóng tiền định giá của Tòa án.
Căn cứ Điều 164 BLTTDS 2015
Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản được xác định như sau:
- Người yêu cầu định giá tài sản phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.
- Trường hợp các bên đương sự không thống nhất được về giá và cùng yêu cầu Tòa án định giá tài sản thì mỗi bên đương sự phải nộp một nửa tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.
- Trường hợp có nhiều đương sự, thì các bên đương sự cùng phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản theo mức mà Tòa án quyết định.
- Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 104 của Bộ luật này thì nguyên đơn, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng.
Sau khi giải quyết xong vụ án bằng bản án, nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản được xác định như sau:
- Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
- Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.
- Trường hợp Tòa án ra quyết định định giá tài sản quy định tại điểm c khoản 3 Điều 104 của Bộ luật này thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản được xác định như sau:
- Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này nếu kết quả định giá chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là có căn cứ;
- Tòa án trả chi phí định giá tài sản nếu kết quả định giá tài sản chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là không có căn cứ.
- Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì nguyên đơn phải chịu chi phí định giá tài sản.
- Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí định giá tài sản.
- Các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người yêu cầu định giá tài sản phải chịu chi phí định giá tài sản
Trên đây là bài viết tư vấn về vấn đề ai là người phải chịu chi phí định giá tài sản theo quy định của pháp luật. Mọi thắc mắc xin liên hệ Luật sư để được tư vấn cụ thể. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết./.
Có thể bạn quan tâm
March 24, 2020 at 10:00AM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét