Thủ tục kháng cáo bản án tranh chấp đất đai sơ thẩm là việc được thực hiện khi đương sự không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm và yêu cầu tòa xét xử một lần nữa theo trình tự phúc thẩm. Vậy cụ trình tự để thực hiện thủ tục này là như thế nào, xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.
Bản án giải quyết tranh chấp đất đai sơ thẩm
Bản án sơ thẩm là văn bản tố tụng do hội đồng xét xử sơ thẩm lập, thể hiện quyết định của toà án về xét xử vụ án dân sự lần đầu. Bản án dân sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Theo đó, Bản án tranh chấp đất đai là một trong những văn bản riêng biệt, chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền ban hành. Đây là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử một vụ án. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là người viết bản án.
Giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án là hình thức tố tụng dân sự. Do đó, hiệu lực của bản án tranh chấp đất đai tuân theo quy định của Khoản 2 Điều 282 Bộ luật tố tụng dân sự, tức nếu không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Lưu ý: Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được “thi hành” ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị:
- Về cấp dưỡng
- Trả công lao động
- Nhận người lao động trở lại làm việc
- Trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
- Bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân
- Quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công;
- Quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Kháng cáo là gì?
Kháng cáo là hành vi tố tụng sau khi xử sơ thẩm, nếu đương sự không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm thì có yêu cầu tòa cấp trên xét xử một lần nữa theo trình tự phúc thẩm.
Theo pháp luật quy định, bản án sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Căn cứ Điều 271 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì đương sự có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình được bảo vệ.
Người kháng cáo là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Người kháng cáo nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo.
Bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định cho thi hành ngay như phần Lưu ý tại mục 1 chúng tôi đã nêu.
Thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm
Thời hạn kháng cáo
Thời hạn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án Thẩm quyền nhận đơn kháng cáo:
- Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo.
- Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp PHÚC THẨM thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết
Trong đó, ngày kháng cáo sẽ được xác định như sau:
- Gửi đơn kháng cáo bằng dịch vụ bưu chính: xác định theo dấu bưu chính nơi gửi;
- Gửi đơn kháng cáo tại Tòa án: ngày nhận được đơn của Tòa án hoặc ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo nếu người kháng cáo trình bày việc kháng cáo trực tiếp với Tòa án.
Luật tố tụng dân sự quy định nếu có trở ngại khách quan hoặc lý do bất khả kháng dẫn đến việc không thể thực hiện được thủ tục kháng cáo theo đúng thời hạn quy định thì người muốn kháng cáo quá hạn phải cung cấp các bằng chứng, chứng cứ chứng minh việc kháng cáo quá hạn của mình là chính đáng.
Chuẩn bị hồ sơ
Khi thực hiện việc kháng cáo, cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ kháng cáo bao gồm Đơn kháng cáo và các tài liệu, chứng cứ liên quan.
- Nếu kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm thì ghi kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, tranh chấp gì, ngày, tháng, năm của bản án và Tòa án đã xét xử sơ thẩm.
- Nếu kháng cáo một phần bản án thì ghi rõ kháng cáo phần nào của bản án.
Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;
- Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
- Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
Trình tự kháng cáo
Trình tự kháng cáo bản án tranh chấp đất đai sơ thẩm theo quy định pháp luật như sau:
Bước 1: Người kháng cáo làm đơn kháng cáo.
Bước 2: Gửi đơn kháng cáo hoặc kháng cáo trực tiếp đến Tòa án xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.
Bước 3: Tòa án tiếp nhận và xử lý đơn:
- Tòa án cấp phúc thẩm đã tiếp nhận đơn thì phải gửi đơn kháng cáo đến cho Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử để thực hiện thủ tục theo quy định;
- Tòa án cấp sơ thẩm sau khi tiếp nhận được đơn kháng cáo phải tiến hành thủ tục vào sổ tiếp nhận và tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo.
Bước 4: Tòa án chấp nhận đơn kháng cáo hoặc yêu cầu đương sự bổ sung hoặc trả lại đơn kháng cáo nếu có căn cứ theo quy định pháp luật.
- Đơn kháng cáo hợp lệ: chấp nhận đơn kháng cáo, thông báo nộp án phí phúc thẩm;
- Đơn kháng cáo không hợp lệ: Nếu quá hạn thì yêu cầu trình bày rõ lý do và xuất trình tài liệu chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng; Nếu đơn chưa đúng quy định: yêu cầu làm lại hoặc sửa đổi bổ sung;
- Tòa án trả lại đơn kháng cáo khi người kháng cáo: Không có quyền kháng cáo; Không làm lại hoặc sửa đổi đơn kháng cáo theo yêu cầu của Tòa án; Không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong tố tụng dân sự được quy định như sau:
- Nếu Tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm bị kháng cáo: Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm.
- Nếu Tòa án sửa hoặc hủy bản án sơ thẩm bị kháng cáo: Đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm;
Trên đây phần tư vấn về thủ tục kháng cáo đối với bản án sơ thẩm về tranh chấp đất đai. Quý bạn đọc có bất cứ thắc mắc nào hoặc có nhu cầu tư vấn pháp lý liên quan tới việc thực hiện hồ sơ kháng cáo, xin vui lòng gọi ngay Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
March 22, 2020 at 10:00AM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét