Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Thủ tục kiện đòi lại tiền đặt cọc mua đất

Thủ tục kiện đòi lại tiền đặt cọc mua đất là vấn đề được đặt ra khi một chủ thể gặp rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán bất động sản. Đặt cọc là sự đảm bảo việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng, ở đây chính là đảm bảo việc giao kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về loại hợp đồng này và cách giải quyết khi muốn lấy lại tiền đặt cọc hay làm sao để đảm bảo được quyền lợi khi xảy ra tranh chấp,… Bài viết dưới đây chúng ta cùng đi sâu tìm hiểu chủ đề này.

doi tien coc mua dat
Đặt cọc là một biện pháp đảm bảo

Đặt cọc theo quy định của pháp luật

Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia tài sản đặt cọc trong một thời hạn với mục đích bảo đảm việc giao kết hoặc việc thực hiện hợp đồng (hoặc cũng có thể mang cả hai mục đích đó).

Bản chất việc đặt cọc là một quy định nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ, vì thế khi mua nhà, mua đất hay thuê nhà… thì hợp đồng đặt cọc được lập ra. Việc đặt cọc bao nhiêu thường do các bên thoả thuận.

Theo đó Hợp đồng đặt cọc mua nhà đất:

  • Là văn bản ghi lại sự thỏa thuận về khoản đặt cọc giữa bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc trong quá trình giao dịch mua bán nhà đất;
  • Là một trong những giấy tờ quan trọng khi thực hiện giao dịch mua bán nhà đất.

Để đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của mình khi không may xảy ra tranh chấp thì hợp đồng đặt cọc khi mua bán “đất đai” phải được lập thành văn bản để dễ dàng xử lý cũng như dễ dàng cho các bên chứng minh.

Thực tế, có không ít trường hợp gặp rủi ro như khi nhận được tài sản đặt cọc thì người nhận đặt cọc lừa đảo, bỏ trốn, cắt đứt thông tin liên lạc với bên đặt cọc. Vì thế phải cẩn thận tìm hiểu thông tin thật kĩ, làm theo đúng mẫu hợp đồng, đảm bảo yếu tố pháp lý cần thiết theo quy định của pháp luật.

Có đòi lại tiền đặt cọc được không

ben ban khong tra lai tien coc
Viêc có đòi lại được tiền đặt cọc hay không sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Căn cứ vào Điều 328 Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác, để có cách đòi lại tiền đặt cọc mua đất thì cần xét đến các trường hợp dưới đây:

  • Nếu hợp đồng mua bán đất được thực hiện: tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc (bên mua đất)  hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền;
  • Nếu bên đặt cọc (bên mua đất) từ chối việc thực hiện hợp đồng: tiền đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc (bên bán đất);
  • Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc thực hiện hợp đồng: phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.

Như vậy, khi bạn không tiếp tục mua đất nữa, bạn sẽ bị mất tiền đặt cọc bởi lúc này tiền đặt cọc thuộc về bên bán. Còn nếu bên bán đất không chịu bán như đã thỏa thuận thì không những phải trả lại tiền đặt cọc cho bạn, mà còn phải trả thêm một khoản tiền tương đương tiền đặt cọc (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).

Thủ tục kiện đòi lại tiền đặt cọc mua đất

khoi kien trong chap hop dong dat coc
Thực hiện việc kiện đòi tài sản đặt cọc theo quy định pháp luật

Tranh chấp liên quan đến việc đòi lại tiền đặt cọc khi mua bán đất là tranh chấp dân sự, vì thế thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Nếu bên bán đất vi phạm hợp đồng và KHÔNG TRẢ tài sản đặt cọc:

  • Người mua có quyền khởi kiện bên bán đất lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên bán đất đang cư trú, làm việc để giải quyết;
  • Kèm theo đó là mẫu đơn khởi kiện và các bằng chứng chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ như hợp đồng đặt cọc mua bán đất, file ghi âm, tin nhắn thỏa thuận giữa các bên,….để đòi lại khoản tiền đặt cọc.

Trình tự khởi kiện về vấn đề này được thực hiện sau:

  1. Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết;
  2. Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và tiền tạm ứng án phí;
  3. Nộp đơn khởi kiện (kèm theo tài liệu, chứng cứ) đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau: Nộp trực tiếp tại Tòa án; Gửi theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
  4. Tòa án nhận và xử lý đơn:
  • Xem xét thụ lý vụ án;
  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Trên đây là bài viết về trình tự, thủ tục kiện đòi lại tiền đặt cọc mua đất theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Nếu quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu hỗ trợ khi thực hiện hồ sơ khởi kiện, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline để được tư vấn kịp thời. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Thủ tục kiện đòi lại tiền đặt cọc mua đất
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng



March 28, 2020 at 10:00AM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét