Có được yêu cầu tòa án giải quyết khi đã có thỏa thuận trọng tài? Đây là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm khi xảy ra tranh chấp hợp đồng THƯƠNG MẠI. Nếu hai bên trong hợp đồng thương mại đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý trừ một số trường hợp pháp luật quy định. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ nội dung này.
Có được yêu cầu tòa án giải quyết khi đã có thỏa thuận trọng tài?
Thỏa thuận trọng tài là gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 thì: Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.
Theo quy định của pháp luật, thỏa thuận trọng tài cần có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, thỏa thuận trọng tài phải là một thỏa thuận tức là sự thể hiện thống nhất ý chí của các bên về việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Thương mại.
Thứ hai, về hình thức thể hiện, thỏa thuận trọng tài hầu hết được thể hiện bằng văn bản. Nhưng theo quy định của pháp luật dân sự, các hình thức thể hiện khác như lời nói, hành vi đều có giá trị thể hiện sự thỏa thuận này. Thực tế, việc thỏa thuận bằng lời nói, hành vi ít được các bên lựa chọn vì chứa nhiều rủi ro.
Thứ ba, về cách thỏa thuận Trọng tài Thương mại. Theo quy định của khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 thì thỏa thuận Trọng tài Thương mại có hai cách là thỏa thuận được lập trước khi phát sinh tranh chấp thương mại và sau khi phát sinh tranh chấp thương mại.
Có được yêu cầu tòa án giải quyết khi đã có thỏa thuận trọng tài?
Căn cứ Điều 6, Luật trọng tài thương mại 2010, trong trường hợp hai bên có tranh chấp thương mại đã có thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng hoặc khi có tranh chấp xảy ra, mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu hoặc không thể thực hiện được.
Do đó, nếu khi đã có thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận đó bị vô hiệu hoặc không thể thực hiện được thì vẫn được yêu cầu tòa án giải quyết.
Trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được
Thỏa thuận trọng tài vô hiệu
Căn cứ Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010, và Điều 3 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trọng tài thương mại, thoả thuận trọng tài bị vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 2 của Luật Trọng tài thương mại 2010 về thẩm quyền của trọng tài thương mại;
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Về nguyên tắc thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì thỏa thuận trọng tài đó mặc nhiên vô hiệu, tuy nhiên trong trường hợp thỏa thuận trọng tài dù được người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối sự xác lập không có thẩm quyền đó thì thỏa thuận trọng tài sẽ không vô hiệu.
- Trong trường hợp người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự
- Hình thức của thoả thuận trọng tài không đúng với quy định tại Điều 16 của Luật Trọng tài thương mại;
- Một trong các bên trong khi xác lập thỏa thuận trọng tài bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép và phải có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu.
- Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được
Căn cứ Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trọng tài thương mại, thoả thuận trọng tài bị coi là không thể thực hiện được trong các trường hợp:
- Trung tâm trọng tài nơi các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức kế thừa và các bên không có thỏa thuận thay thế trung tâm trọng tài khác;
- Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên thỏa thuận lựa chọn từ chối tham gia giải quyết hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không có thỏa thuận thay thế;
- Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên đã có thoả thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp không thể tham gia giải quyết tranh chấp thương mại vì sự kiện bất khả kháng hoặc các trở ngại khách quan khác; hoặc Toà án không thể tìm được Trọng tài viên đáp ứng yêu cầu của các bên và các bên không có thỏa thuận thay thế;
- Điều lệ trung tâm trọng tài các bên chọn không cho phép về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế nhưng nhưng các bên lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác;
- Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.
Thỏa thuận trọng tài không thực hiện được trong các trường hợp pháp luật quy định
Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, mặc dù điều khoản trọng tài đã được thỏa thuận, người tiêu dùng vẫn được sử dụng Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.
Hậu quả pháp lý khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu
Hậu quả pháp lý khác nhau theo từng giai đoạn:
Một là, trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài (HĐTT) phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài. Theo Điều 43 Luật Trọng tài thương mại 2010 nếu thỏa thuận trọng tài vô hiệu thì HĐTT quyết định đình chỉ việc giải quyết.
Hội đồng trọng tài đình chỉ giải quyết
Hai là, khi có khiếu nại quyết định của HĐTT về việc thỏa thuận trọng tài vô hiệu, trong trường hợp Tòa án quyết định vụ án tranh chấp không thuộc thẩm quyền của HĐTT, thỏa thuận trọng tài vô hiệu thì xử lý như sau:
Trường hợp HĐTT đã ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ việc thì các bên có quyền thỏa thuận, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Trường hợp vụ việc đang được HĐTT tiến hành giải quyết tranh chấp thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án, HĐTT phải ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Trường hợp HĐTT đã ra phán quyết trọng tài thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài theo thủ tục chung.
>>Xem thêm: Hướng dẫn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Trên đây là bài viết hướng dẫn về vấn đề có được yêu cầu tòa án giải quyết khi đã có thỏa thuận trọng tài. Trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc cũng như có nhu cầu tư vấn luật hợp đồng về những vấn đề pháp lý, hãy liên hệ ngay với LUẬT SƯ HỢP ĐỒNG theo HOTLINE 1900.63.63.87 để được phía công ty chúng tôi tư vấn chi tiết. Xin cảm ơn.
Nguồn: Thạc Sĩ – Luật Sư Phan Mạnh Thăng – Luật Long Phan PMT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét