Tranh chấp về hợp đồng tặng cho tài sản sẽ được giải quyết như thế nào? Bài viết sau đây sẽ tư vấn cho các bạn biết những vấn đề pháp lý cần thiết về cách xử lý khi có tranh chấp về hợp đồng tặng cho TÀI SẢN.
Tranh chấp Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là gì?
Hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng ghi nhận sự thỏa thuận của các bên, theo đó, bên tặng cho chuyển giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho nếu bên được tặng cho đồng ý nhận tài sản đó. Trong hợp đồng tặng cho, bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho và điều kiện tặng cho này không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Đối tượng của hợp đồng tặng cho
Đối tượng của Hợp đồng tặng cho là tài sản. Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định tài sản là:
- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
- Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Do đó, tài sản được hiểu là các vật có giá trị bằng tiền và là đối tượng của quyền tài sản và các lợi ích vật chất khác. Tài sản bao gồm vật có thực, vật đang tổn tại sẽ có như hoa lợi, lợi tức, vật sẽ được chế tạo theo mẫu đã được thỏa thuận giữa các bên, tiền và các giấy tờ trị giá được bằng tiền và quyền tài sản.
>> Xem thêm: Mẫu Hợp Đồng Tặng Cho Nhà Đất Có Điều Kiện
Hình thức của hợp đồng tặng cho
Hình thức của hợp đồng tặng cho phụ thuộc vào đối tượng của nó. Nếu đối tượng của hợp đồng tặng cho là động sản thì hợp đồng tặng cho có thể bằng miệng, văn bản. Nếu đối tượng của hợp đồng là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc là bất động sản thì hình thức của hợp đồng tặng cho phải là văn bản có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hướng xử lý tranh chấp
Hòa giải
Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém. Hòa giải xuất phát từ sự tự nguyện có điều kiện của các bên, vì vậy khi hòa giải thành thì vẫn duy trì được quan hệ hợp tác vẫn có giữa các bên.
Các hình thức hòa giải:
- Tự hòa giải: là do các bên tranh chấp tự bàn bạc để đi đến thống nhất phương án giải quyết tranh chấp mà không cần tới sự tác động hay giúp đỡ của đệ tam nhân.
- Hòa giải qua trung gian: là việc các bên tranh chấp tiến hành hòa giải với nhau dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của người thứ ba (người trung gian hòa giải). Trung gian hòa giải có thể là cá nhân, tổ chức hay Tòa án do các bên tranh chấp chọn lựa hoặc do pháp luật qui định.
- Hòa giải ngoài thủ tục tố tụng: là việc hòa giải được các bên tiến hành trước khi dưa đơn khởi kiện ra Tòa án hay trọng tài.
- Hòa giải trong thủ tục tố tụng: là việc hòa giải được tiến hành tại Tòa án, trọng tài khi các cơ quan này tiến hành giải quyết tranh chấp theo đơn kiện của một bên (hòa giải dưới sự trợ giúp của Tòa án hay trọng tài). Tòa án, trọng tài sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên và quyết định này có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.
Hòa giải tranh chấp hợp đồng
Khởi kiện ra Tòa án
Khi tranh chấp Hợp đồng phát sinh, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau được thì có thể khởi kiện tại Tòa án để được giải quyết tranh chấp. Khi khởi kiện cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và xác định đúng thẩm quyền Tòa án giải quyết để nộp hồ sơ đúng nơi và được giải quyết nhanh nhất.
Hồ sơ khởi kiện
- Đơn khởi kiện;
- CMND/CCCD/hộ chiếu và sổ hộ khẩu của người khởi kiện là cá nhân; đăng ký kinh doanh/đăng ký thuế/ điều lệ của người khởi kiện là tổ chức (bản sao chứng thực);
- CMND/CCCD/hộ chiếu và sổ hộ khẩu của người bị kiện là cá nhân; đăng ký kinh doanh/đăng ký thuế/ điều lệ của người bị kiện là tổ chức (bản sao chứng thực);
- Tài liệu chứng cứ chứng minh sự kiện tranh chấp;
- Danh mục tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Thẩm quyền giải quyết
Vì đây là tranh chấp về Hợp đồng dân sự cụ thể là Hợp đồng tặng cho tài sản, kể cả tài sản được tặng cho là động sản hay bất động sản, thẩm quyền giải quyết vẫn sẽ thuộc về Tòa án dân sự cấp huyện nơi bị đơn cư trú theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nếu các bên không có thỏa thuận lựa chọn nào khác. Nếu tranh chấp này có yếu tố nước ngoài thì Tòa cấp tỉnh sẽ giải quyết.
Khởi kiện tranh chấp hợp đồng
Thủ tục nộp hồ sơ
Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 2: Tòa án thụ lý vụ án
- Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này.
Trên đây là bài viết tư vấn về các vấn đề pháp lý của Hợp đồng tặng cho tài sản cũng như hướng xử lý khi có tranh chấp về Hợp đồng tặng cho tài sản. Nếu quý khách còn có thắc mắc liên quan đến vấn đề này hoặc cần hỗ trợ TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ, hãy liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được hỗ trợ và tư vấn.
Nguồn: Thạc Sĩ – Luật Sư Phan Mạnh Thăng – Luật Long Phan PMT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét