Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Lương ngừng việc được tính như thế nào trong mùa Covid

Lương ngừng việc được tính như thế nào trong mùa Covid là thắc mắc của nhiều người, đặc biệt là người lao động và doanh nghiệp, liên quan đến vấn đề tiền lương phải trả trong thời buổi dịch bệnh. Có thể nói, dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều hệ lụy, khiến doanh nghiệp lao đao, thậm chí nhiều nơi phải tạm ngừng công việc với người lao động. Vậy khi bị ngừng công việc do dịch bệnh, người lao động có được hưởng lương? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết liên quan đến vấn đề này.

Lương ngừng việc được tính thế nào trong mùa Covid

Lương ngừng việc được tính thế nào trong mùa Covid

Khi nào thì người lao động được trả lương ngừng việc?

Theo quy định tại Điều 99 Bộ luật lao động năm 2019 (BLLĐ năm 2019), người lao động được trả lương ngừng việc khi lý do ngừng việc thuộc về lỗi của người sử dụng lao động hoặc ngừng việc vì những lí do khác như thiên tai, dịch bệnh…

>> Xem thêm: Quy định về lãi suất tính tiền do chậm trả lương cho người lao động

Tiền lương ngừng việc được tính như thế nào?

Khi ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 99 BLLĐ năm 2019, nếu người lao động phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 5 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động cũng quy định “thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động” được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương.

Theo đó, nếu phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động buộc người lao động phải nghỉ làm thì thời gian ngừng việc đó vẫn sẽ được tính thời gian làm việc hưởng lương. Trong thời gian ngừng việc, người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động tương ứng với số ngày ngừng việc.

Khi ngừng việc do lỗi của người lao động

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 99 BLLĐ năm 2019, nếu người lao động ngừng việc do lỗi của chính họ thì sẽ không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, nếu người lao động phải ngừng việc do lỗi của mình thì họ sẽ không được trả lương.

Khi ngừng việc vì những lí do khác (thiên tai, dịch bệnh…)

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 BLLĐ năm 2019, người lao động phải ngừng việc vì những lí do khác có thể là xuất phát từ những sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, khiến người lao động bắt buộc phải ngừng việc.

  • Nếu ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương người lao động ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
  • Nếu phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Cũng theo Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL của Bộ Lao động Thương binh và xã hội có quy định, đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như:

  • lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
  • người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
  • người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc

thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc được thực hiện theo Khoản 3 Điều 98 BLLĐ năm 2019 (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu).

Doanh nghiệp có nghĩa vụ trả lương đúng hạn cho người lao động

Doanh nghiệp có nghĩa vụ trả lương đúng hạn cho người lao động

Cách thức xử lý khi doanh nghiệp không có khả năng chi trả lương cho người lao động

Cơ chế giải quyết

Một trong những nguyên tắc trả lương cho người lao động được quy định tại Điều 94 BLLĐ năm 2019, đó là “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động”. Do đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ trả lương đúng hạn cho người lao động. Trường hợp vì lý do bất khả kháng thì doanh nghiệp được quyền trả lương chậm nhưng không quá 30 ngày.

Trường hợp doanh nghiệp không chi trả lương cho người lao động thì để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, người lao động có thể:

  • Cách 1: Gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương
  • Cách 2: Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Cách 3: Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động
  • Cách 4: Khởi kiện tại Tòa án

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Theo đó, tương ứng với việc lựa chọn cách thức giải quyết nào mà chủ thể thực hiện việc khiếu nại hoặc khởi kiện đến cơ quan đó. Chẳng hạn, khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động

  • Trong đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 BLLĐ năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án.
  • Người lao động gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo hướng dẫn của Tòa án.
  • Căn cứ Khoản 3 Điều 190 BLLĐ năm 2019, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Tuy nhiên, trong tình hình đại dịch covid 19 hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp, doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn nên tại Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL có nêu, nếu doanh nghiệp không có khả năng chi trả lương cho người lao động thì có thể thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc cho người lao động nghỉ việc không lương. Trường hợp người lao động không đồng ý thì người sử dụng lao động có quyền thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động (nay là Điều 36 và Điều 42 BLLĐ năm 2019).

Doanh nghiệp có thể thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ

Doanh nghiệp có thể thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ

>> Xem thêm: Nghỉ thai sản người lao động có được trả lương không

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn Lương ngừng việc được tính như thế nào trong mùa Covid. Trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc cũng như có nhu cầu TƯ VẤN PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được phía công ty chúng tôi tư vấn chi tiết. Xin cảm ơn.



Nguồn: Thạc Sĩ – Luật Sư Phan Mạnh Thăng – Luật Long Phan PMT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét