Trong thời kỳ hiện đại ngày nay, vấn đề trọng nam khinh nữ đã giảm dần. Tuy nhiên, tâm lý chung của các ông bà thường mong muốn có một người cháu trai để “nối dõi tông đường”, chịu trách nhiệm thờ cúng ông bà, tổ tiên hay nói cách khác là “cháu đích tôn”. Cũng chính vì vậy, vấn đề để lại tài sản thừa kế cho cháu đích tôn có thể được ưu ái hơn. Tuy nhiên, cháu đích tôn có được quyền hưởng thừa kế không? Khi có tranh chấp xảy ra thì giải quyết tranh chấp thừa kế như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề trên.
1. Cháu đích tôn là gì?
Theo từ điển Hán Nôm thì cháu đích tôn là con trai trưởng của người trưởng nam.
Có thể hiểu trong dân gian cháu đích tôn là cháu trai được sinh ra đầu tiên của người con trai trưởng bên nội. Trường hợp người con trai trưởng hoặc người con trai đầu không sinh được con trai thì người con trai thứ kế tiếp nếu sinh ra con trai thì bé trai này được xem là cháu đích tôn.
Cháu đích tôn có vai trò quan trọng trong việc thờ cúng tổ tiên, hay việc quyết định các vấn đề chung trong gia đình. Theo dân gian, cháu đích tôn sẽ sống cùng cha mẹ, ông bà. Căn nhà mà cháu đích tôn ở là nhà của cha mẹ, ông bà để lại, cũng là nơi họp mặt gia đình mỗi khi có dịp giỗ, tết hay các dịp lễ lớn khác.
2. Cháu đích tôn có được hưởng thừa kế theo di chúc không?
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (khoản 1 Điều 643 BLDS).
Theo đó, di chúc có hiệu lực kể từ khi người để lại di chúc chết. Khi đó, tài sản được chia theo di chúc mà người chết để lại.
Nếu người để lại di chúc (trong trường hợp này có thể là ông, bà nội) để lại di chúc thể hiện nội dung cháu đích tôn được hưởng phần tài sản nhất định. Khi đó, cháu đích tôn sẽ được hưởng thừa kế theo di chúc và được pháp luật công nhận. Trừ trường hợp người cháu đích tôn này từ chối nhận di sản theo Điều 620 BLDS hoặc rơi vào một trong các trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định tại Điều 621 BLDS. Cụ thể là:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Lưu ý: Cháu đích tôn rơi vào các trường hợp trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Cháu đích tôn có được hưởng thừa kế theo pháp luật không?
Căn cứ Điều 650 BLDS quy định thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo đó, khi ông bà nội không để lại di chúc cho cháu đích tôn thì tiến hành áp dụng thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 BLDS. Cụ thể:
Thứ nhất, tiến hành thừa kế lần lượt theo thứ tự của hàng thừa kế:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Thứ hai, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Thứ ba, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Do đó cháu đích tôn chỉ được nhận thừa kế khi không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản hoặc theo thỏa thuận của các đồng thừa kế. Ngoài trường hợp trên thì cháu đích tôn không được hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật bởi cháu đích tôn thuộc vào hàng thừa kế thứ hai.
Cần lưu ý rằng đối với phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được cháu đích tôn quản lý trong các trường hợp sau (khoản 1 Điều 645 BLDS):
- Cháu đích tôn là người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng.
- Cháu đích tôn được những người thừa kế cử là người quản lý di sản thờ cúng.
- Tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết và phần di sản dùng để thờ cúng đang được cháu đích tôn quản lý.
3. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp thừa kế của cháu đích tôn
Khi phát sinh tranh chấp thừa kế CỦA cháu đích tôn, biện pháp đơn giản nhất là các thành viên trong gia đình cùng nhau ngồi lại thương lượng, thỏa thuận và giải quyết phân chia tài sản. Tuy nhiên, trường hợp không thỏa thuận được, người bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Cụ thể:
3.1 Thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản hoặc tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú (nếu tài sản thừa kế là động sản) theo quy định tại Điều 26, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
3.2 Thời hiệu thừa kế
Đây là tranh chấp về thừa kế tài sản. Do vậy, thời hiệu thừa kế theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3.3 Người có quyền khởi kiện
Bên bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp khi gửi đơn khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền thì nội dung đơn khởi kiện phải đầy đủ theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu, chứng cứ chưng minh quyền và lợi ích bị xâm phạm.
3.4. Trình tự khởi kiện
Trình tự, thủ tục được áp dụng theo thủ tục chung theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 hiện hành. Xem thêm về:
- Mẫu đơn khởi kiện: https://luatlongphan.vn/mau-don-khoi-kien-moi-nhat-trong-to-tung-dan-su-gom-nhung-gi
- Thẩm quyền giải quyết: https://luatlongphan.vn/xac-dinh-tham-quyen-cua-toa-an-trong-to-tung-dan-su
- Trình tự thụ lý vụ án: https://luatlongphan.vn/thu-tuc-thu-ly-vu-an-dan-su-nhu-the-nao
- Thủ tục giải quyết sơ thẩm tại tòa án: https://luatlongphan.vn/thu-tuc-giai-quyet-vu-an-dan-su-so-tham
Như vậy, cháu đích tôn thuộc hàng thừa kế thứ hai nên chỉ được hưởng thừa kế khi có di chúc. Đối với thừa kế theo pháp luật thì tùy thuộc từng trường hợp cụ thể mà cháu đích tôn có thể được hưởng thừa kế hoặc không.
Trên đây là nội dung về cách xử lý tranh chấp thừa kế của cháu đích tôn. Trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc hay có vấn đề cần tư vấn, vui lòng liên hệ với Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới để được hỗ trợ.
January 12, 2020 at 07:00AM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét