Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

Thủ tục khởi kiện đòi lại đất của dòng họ bị lấn chiếm

Thủ tục khởi kiện đòi lại đất của dòng họ bị lấn chiếm được thực hiện nếu có đơn khởi kiện sau khi các bên tiến hành tự thỏa thuận và hòa giải tại địa phương nhưng không thành. Đây là một tranh chấp đất đai và được điều chỉnh bởi Luật đất đai 2013. Bên cạnh đó, việc thực hiện trình tự khởi kiện tuân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành.

dat dong ho bi lan chiem
Thủ tục khởi kiện đòi lại đất tuân theo Bộ luật tố tụng dân sự

Thế nào là lấn chiếm đất đai?

Lấn, chiếm đất đai là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật đất đai. Hành vi lấn chiếm đất đai có thể là hành vi lấn chiếm đất công hoặc hành vi lấn chiếm đất của người khác.

Khi lấn chiếm đất đai thì người lấn chiếm đất đai sẽ bị xử lý vi phạm về mặt hành chính và dân sự.

  • Về mặt hành chính: Phạt tiền (đối với từng loại đất sẽ có mức phạt khác nhau), buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm hoặc buộc trả lại đất đã lấn, chiếm.
  • Về mặt dân sự: chủ sở hữu, chủ thể có đất bị lấn chiếm có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi trái pháp luật (Điều 164, 166, 169, 170 Bộ luật dân sự 2015)

Đất của dòng họ được quy định như thế nào?

quy dinh ve so huu chung dat dong ho
Đất của dòng họ là sở hữu chung của các thành viên trong dòng họ

Dòng họ theo nghĩa thông thường là những người cùng họ và có quan hệ huyết thống. Căn cứ vào (Điều 211 Bộ luật dân sự 2015) quy định đất của dòng họ là sở hữu chung của cộng đồng (của dòng họ).

 Theo đó, dựa vào nguồn gốc hình thành theo tập quán, các thành viên của dòng sử dụng làm nơi thờ cúng, cũng như việc đóng góp của các thành viên để xây dựng thành nhà thờ họ, từ đường, đình, miếu… được xác định thuộc sở hữu chung của dòng họ:

  • Các thành viên cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của dòng họ nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
  • Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.

Theo quy định của Luật Đất đai quy định tại (Khoản 5 Điều 100) thì đất của dòng họ do cộng đồng dân cư đang sử dụng mà không có tranh chấp thì sẽ được được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng chung cho cộng đồng dân cư.

Xác định địa vị pháp lý của dòng họ

(Điều 101 Bộ luật dân sự 2015) quy định về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

  • Dòng họ là một tổ chức không có tư cách pháp nhân. Theo quy định tại (khoản 1 Điều 101) nêu trên thì dòng họ không có tư cách chủ thể mà các thành viên của dòng họ mới là chủ thể của quan hệ dân sự.
  • Dòng họ không thể trở thành đương sự như pháp nhân mà là các thành viên của dòng họ mới có thể trở thành đương sự.
  • Khi tài sản chung bị xâm phạm hay quyền lợi thành viên của mình bị xâm phạm thì bất cứ thành viên nào của dòng họ cũng có quyền khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.

Vấn đề về quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ được quy định tại (Điều 3 và Điều 4 Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP) hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ như sau:

  • Thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
  • Dòng họ không phải là nguyên đơn.
  • Tập thể (ví dụ: chi họ, nhánh họ, hội đồng gia tộc…) không có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ.
  • Nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.

Lưu ý: Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2020.

nguyen doi doi lai dat cua dong ho la nguoi khoi kien
Dòng họ không phải là nguyên đơn

Thủ tục đòi lại đất bị lấn chiếm

Khi có tranh chấp về việc lấn chiếm đất xảy ra thì các bên có thể tiến hành tự thương lượng với nhau. Nếu không tự thương lượng được thì một trong hai bên gửi đơn yêu cầu UBND xã tiến hành hòa giải.

  • Thủ tục hòa giải cơ sở căn cứ vào khoản 3, 4 Điều 202 Luật Đất Đai 2013 quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình.
  • Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
  • Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã.
  • Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Theo như phân tích ở trên, trước hết các bên cần tiến hành hòa giải theo quy định. Sau khi hòa giải không thành người bị lấn chiếm tiến hành thủ tục khởi kiện ra Tòa án theo quy định.

Thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp đất của dòng họ bị lấn chiếm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ, lúc này người khởi kiện là nguyên đơn cần chuẩn bị Hồ sơ khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật với các giấy tờ như:

  • Đơn khởi kiện;
  • Tài liệu, chứng cứ kèm theo;
  • Giấy tờ nhân thân (Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu,…);
  • Giấy tờ liên quan về đất của dòng họ,…

Thủ tục khởi kiện buộc trả lại đất đã lấn chiếm được thực hiện theo trình tự sau:

  1. Nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án nơi có đất bị lấn chiếm giải quyết trong thời hiệu pháp luật quy định;
  2. Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án khi hồ sơ hợp lệ, và tiến hành thủ tục cần thiết  để chuẩn bị xét xử.
  3. Xét xử sơ thẩm;
  4. Xét xử phúc thẩm (nếu có).

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về thủ tục tiến hành đòi lại đất của dòng họ bị lấn chiếm. Nếu quý bạn đọc có bất cứ thắc mắc nào hoặc có nhu cầu soạn đơn khởi kiện, xin vui lòng gọi ngay Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline để được giải đáp. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Thủ tục khởi kiện đòi lại đất của dòng họ bị lấn chiếm
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Phan Mạnh Thăng



April 04, 2020 at 07:00AM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét