Kiot buôn bán ở chợ bị thu hồi phải được bồi thường theo quy định của pháp luật về đất đai. Tuy nhiên hiện nay tình hình bồi thường vẫn chưa được thỏa đáng dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Bài viết dưới đây của Công ty Luật Long Phan PMT sẽ giúp bạn đọc biết được cách thức kiện đòi bồi thường trong trường hợp này.
Đối tượng được bồi thường khi kiot ở chợ bị thu hồi
Đất ki ốt (hay còn gọi là quầy bán hàng) được coi là một trong những địa điểm kinh doanh mua bán tại chợ. Nhà nước thu hồi đất kiot phải vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng.
Khi Nhà nước thu hồi đất kiot thì các đối tượng sau đây sẽ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định tại (Điều 76 Luật đất đai 2013), bao gồm:
- Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân
- Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất
- Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng
- Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn
- Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
Đất kiot bị thu hồi được bồi thường những gì?
Đất kiot bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về tài sản trên đất và thiệt hại phát sinh do việc ngừng sản xuất, kinh doanh khi nhà nước thu hồi đất quy định tại (điều 89 Luật đất đai 2013) và (Điều 9 Nghị định 147/2014/NĐ-CP). Cụ thể như sau:
- Khi tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần kiot còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật thì chủ sở hữu kiot được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của kiot có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.
- Mức bồi thường bằng tổng giá trị hiện có của kiot bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của kiot đó.
- Giá trị hiện có của kiot được xác định bằng tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của kiot (x) với giá trị xây dựng mới của kiot có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành.
- Khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của kiot do UBND cấp tỉnh quy định, nhưng mức bồi thường không quá 100% giá trị xây dựng mới.
Được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho các tài sản mà người sử dụng kiot đầu tư để phát triển kiot như hệ thống điện, nước. Chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm toàn bộ hoặc một phần của các khoản chi phí được quy định tại (khoản 2 Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP) gồm:
- Chi phí san lấp mặt bằng
- Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xối mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp
- Chi phí gia tăng có khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh
- Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.
Bên cạnh đó các thiệt hại do việc thay đổi vị trí, địa điểm kinh doanh, chi phí di chuyển tài sản, tiền thuê đất đã trả trước cho nhiều năm cũng được bồi thường.
Quy trình thu hồi đất kiot
Nhìn chung, quá trình thu hồi đất được thực hiện như sau:
- Thông báo thu hồi đất;
- Kiểm kê đất và tài sản có trên đất;
- Lập phương án bồi thường, hỗ trợ;
- Niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
- Hoàn chỉnh phương án sau khi lấy ý kiến người dân;
- Phê duyệt phương án chi tiết và tổ chức thực hiện.
Thủ tục khởi kiện
Việc bồi thường kiot do bị thu hồi được cơ quan có thẩm quyền bồi thường thông qua quyết định hành chính về bồi thường đất. Chính vì vậy, khi cho rằng việc bồi thường không thỏa đáng, người sử dụng kiot có quyền khởi kiện quyết định bồi thường đất theo thủ tục tố tụng hành chính.
Nội dung đơn khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp này theo quy định tại (Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015) là 01 năm kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định hành chính, quyết định bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất. Nội dung đơn khởi kiện vụ án hành chính phải có các nội dung cơ bản sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn
- Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
- Nội dung quyết định bồi thường hỗ trợ thu hồi đất kiot
- Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết
- Cam kết của người khiếu kiện không khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Thành phần hồ sơ
- Đơn khởi kiện
- Hợp đồng thuê kiot
- Giấy tờ thanh lý, hóa đơn thực hiện nghĩa vụ tài chính
- Biên lai thu tiền đền bù đất, sử dụng đất chợ
- Các giấy tờ khác có liên quan
Thủ tục thực hiện
Khi việc hòa giải không thành, chủ thể bị thu hồi đất có thể tiến hành thủ tục khởi kiện bồi thường san lấp mặt bằng trái luật (đất kiot) đến tòa án có thẩm quyền.
- Nộp đơn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền
Theo quy định tại (Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015), Tòa cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với các khiếu kiện quyết định hành chính của ủy ban nhân dân cấp huyện, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án, quyết định hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu kiện, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong 03 ngày kể từ ngày được phân công, thẩm phán tiến hành xem xét quyết định có thụ lý vụ án hay không.
- Thời hạn chuẩn bị xét xử cho các vụ án, trừ vụ án xét xử teo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Thẩm phán sẽ dựa trên các tài liệu, chứng cứ được các bên cung cấp hoặc tài liệu, chứng cứ tự mình thu thập được để đưa ra quyết định cuối cùng.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án sơ thẩm tuyên án, đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo để giải quyết vụ việc theo thủ tục phúc thẩm. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm vào sổ thụ lý. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là 60 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án.
Trên đây là nội dung bài viết hướng dẫn về kiện đòi bồi thường kiot buôn bán bị thu hồi. Nếu quý bạn đọc có thắc mắc hoặc cần gặp trực tiếp luật sư để được tư vấn cụ thể hơn về khởi kiện bồi thường đất kiot, vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua hotline bên dưới. Xin cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
April 14, 2020 at 10:00AM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét