Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, điều này cũng đã ảnh hưởng đến việc thu nhập của các doanh nghiệp. Vậy các doanh nghiệp có quyền được phép cắt giảm lương nhân viên không? Bằng cách nào cho đúng với quy định của pháp luật.? Để hiểu rõ về vấn đề này mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết sau.
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng tài chính trong mùa dịch COVID-19
Doanh nghiệp có được phép cắt giảm lương nhân viên trong mùa dịch COVID-19 ? Bằng cách nào?
Trong tình hình diễn biến phức tạp về dịch bệnh COVID-19. Để tránh sự lây lan dịch bệnh nhiều doanh nghiệp đã phải cho nhân viên nghỉ làm và làm việc tại nhà hoặc cho nhân viên nghỉ và đóng cửa trụ sở doanh nghiệp. Chính vì điều này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty, làm thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp.
Vì vậy các doanh nghiệp đã phải thực hiện việc cắt giảm chi phí tiền lương của nhân viên để giảm bớt khó khăn trong tình hình dịch bệnh này. Để thực hiện việc giảm cắt tiền lương nhân viên theo đúng quy định pháp luật có những cách sau đây:
Các bên có thể thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động
Tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 thì Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 33 Bộ luật lao động 2019 cũng quy định: Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Theo quy định trên và trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và rất nhiều ca nhiễm, cách ly nên doanh nghiệp buộc phải chịu khó khăn về thu nhập, cân đối tài chính. Người lao động nếu chịu chia sẻ rủi ro khi dịch bệnh thì doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động về việc giảm tiền lương so với hợp đồng lao động, trường hợp này thì hai bên có thể thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng lao động để điều chỉnh mức tiền lương mới.
Nếu người lao động không đồng ý việc giảm lương để chia sẻ rủi ro đối với doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động theo mức của hợp đồng lao động đã giao kết.
Chuyển người lao động đi làm công việc khác so với hợp đồng lao động
Hình thức này được quy định tại Điều 29, Bộ luật lao động 2019 như sau:
- Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
- Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
- Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Áp dụng vào tình hình thực tế hiện nay, đại dịch đang hoành hành và ngày càng nguy hiểm hơn. Nhiều công ty không còn cách nào khác ngoài việc cho nhân viên làm việc tại nhà, làm một công việc khác so với hợp đồng lao động đã ký kết.
Hình thức này sẽ được áp dụng với điều kiện phải báo trước cho nhân viên công ty 3 ngày và thực hiện không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm, nếu như vượt quá thời gian này thì chủ công ty cần có sự chấp thuận bằng văn bản của người sử dụng lao động.
Trong 30 ngày đầu, nhân viên được trả lương bằng với lương công việc chính. Sau đó, công ty có thể trả lương thấp hơn nhưng ít nhất phải bằng 85% lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do chính phủ quy định.
Đây là một biện pháp tạm thời, giúp công ty có thể giảm nhẹ chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tạm ngừng việc với người lao động
Hình thức này được quy định tại khoản 3, Điều 99, Bộ luật lao động 2019:
Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Căn cứ điều trên với lý do dịch bệnh và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì doanh nghiệp có thể tạm thời ngừng việc với nhân viên để tiết kiệm chi phí. Tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp theo quy định tại Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:
- Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
- Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
- Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
- Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Như vậy, tại Thành phố Hồ Chí Minh, mức lương tối thiểu mà công ty phải trả khi tạm ngừng việc với nhân viên do dịch bệnh là 4.420.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp cắt giảm lương nhân viên trong mùa dịch COVID-19
Trường hợp nhân viên làm việc tại nhà do dịch bệnh thì doanh nghiệp có được giảm lương không?
Tại Điều 33, Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động như sau:
- Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
- Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
- Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Như vậy, nếu làm việc ở nhà nhưng người lao động vẫn hoàn thành tốt công việc được giao thì về nguyên tắc vẫn được nhận đủ tiền lương.
Nếu có sự thỏa thuận về việc giảm tiền lương nhằm san sẻ gánh nặng với doanh nghiệp thì hai bên có thể làm phụ lục hợp đồng lao động, có nghĩa là công ty chỉ có thể giảm lương của người lao động khi được người lao động đồng ý, mức lương do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Trường hợp người lao động không đồng ý, công ty phải trả đủ lương theo thỏa thuận ban đầu.
Trong mùa dịch bệnh COVID-19 công ty nợ lương người lao động được không?
Doanh nghiệp nợ lương nhân viên trong mùa dịch COVID-19
Theo quy định tại Điều 94, Bộ luật Lao động 2019 quy định:
- Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
- Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Khoản 4 Điều 97 Bộ luật lao động 2019 quy định: Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Như vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp, pháp luật vẫn cho phép doanh nghiệp được nợ lương người lao động, tuy nhiên, chỉ được nợ trong một số trường hợp nhất định và không quá 30 ngày.
>> Xem thêm: Làm Việc Tại Nhà Do Dịch Bệnh Corona, Công Ty Có Được Giảm Lương Nhân Viên Không ?
Trên đây là bài viết giải đáp thắc mắc về việc có được cắt giảm lương nhân viên trong mùa dịch COVID-19. Cách để doanh nghiệp cắt giảm lương nhân viên đúng luật mùa Covid. Nếu Quý khách hàng có thắc mắc về vấn đề này thì xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE: 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT LAO ĐỘNG cụ thể, chi tiết hơn. Xin cảm ơn.
* Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn.
Nguồn: Thạc Sĩ – Luật Sư Phan Mạnh Thăng – Luật Long Phan PMT