Trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công là một vấn đề pháp lý đáng quan tâm trong lĩnh vực pháp luật dân sự, kinh doanh – thương mại. Hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về trách nhiệm giao, nhận sản phẩm gia côngcũng như trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công giúp các bên thực hiện hợp đồng gia công đạt hiệu quả cao hơn. Quý bạn đọc quan tâm có thể tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi về vấn đề này.
Hợp đồng gia công
Trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công
Rủi ro được hiểu là những tổn thất xảy đến với tài sản là đối tượng của hợp đồng nói chung và hợp đồng gia công nói riêng do nguyên nhân khách quan. Quy định về trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công tại Bộ luật Dân sự 2015 giúp các bên có hướng giải quyết trong trường hợp có rủi ro dẫn đến thiệt hại cho tài sản.
Bên đặt gia công
Theo quy định tại Điều 548 Bộ luật Dân sự 2015, bên đặt gia công chịu trách nhiệm rủi ro như sau:
- Trường hợp bên nhận gia công đã giao sản phẩm cho bên đặt gia công thì trách nhiệm chịu rủi ro thuộc về bên đặt gia công.
- Trường hợp trước khi bên nhận gia công giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên đặt gia công phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu mà bên đặt gia công là chủ sở hữu. Quy định này cũng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 162 Bộ luật Dân sự 2015 “Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình…”
- Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì trong thời gian chậm nhận sản phẩm đó, bên đặt gia công phải tự chịu trách nhiệm đối với bất kì rủi ro nào xảy ra mà không phụ thuộc sản phẩm gia công đó có được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công hay bên đặt gia công.
Bên nhận gia công
- Trường hợp trước khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nhận gia công chỉ phải chịu rủi ro xảy ra đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu mà bên nhận gia công là chủ sở hữu.
- Trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì trong thời gian chậm giao sản phẩm, bên nhận gia công phải có trách nhiệm BỒI THƯỜNG cho bên đặt gia công nếu có thiệt hại xảy ra đối với sản phẩm gia công.
Trách nhiệm giao, nhận sản phẩm gia công
Trong hợp đồng gia công dân sự
Theo quy định tại Điều 545 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
- Bên đặt gia công có quyền nhận sản phẩm gia công theo đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm.
- Khi sản phẩm không đảm bảo chất lượng bên đặt gia công có quyền yêu cầu bên nhận gia công sửa chữa.
- Khi bên nhận đặt gia công không thể sửa chữa hàng không đảm bảo chất lượng, bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo quy định tại Điều 546 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
Ngược lại, bên nhận gia công có nghĩa vụ giao sản phẩm cho bên đặt gia công theo đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng và phương thức, thời hạn và địa điểm.
Theo quy định tại Điều 550 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
- Nếu bên nhận gia công chậm giao sản phẩm, bên đặt gia công có thể GIA HẠN. Khi hết thời hạn gia hạn, bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bên nhận gia công chưa hoàn thành công việc.
- Nếu bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm, bên đặt gia công có thể gửi sản phẩm tại nơi nhận và thông báo cho bên đặt gia công được biết, chi phí phát sinh từ việc gửi giữ do bên đặt gia công chi trả.
Giao, nhận sản phẩm gia công
Trong hợp đồng gia công thương mại
Hợp đồng gia công trong thương mại có phạm vi và hình thức hẹp hơn so với hợp đồng gia công trong dân sự.
Cụ thể, bên nhận gia công trong gia công thương mại hưởng thù lao từ bên đặt gia công bằng việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công.
Trách nhiệm giao, nhận sản phẩm trong hợp đồng gia công thương mại được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 như trình bày ở trên.
Giải quyết tranh chấp về trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công
Hòa giải tại trọng tài thương mại
Đối với hợp đồng gia công thương mại, trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, các bên có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010.
Các bên có thể thỏa thuận xác định Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài (Tòa án cấp tỉnh) hoặc việc xác định Tòa án được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại 2010.
>> Xem thêm: HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI
Tranh chấp hợp đồng gia công
Khởi kiện tại Tòa án
Theo quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010, việc yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng gia công theo thủ tục tố tụng tại Tòa án được thực hiện trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại hoặc các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhưng thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được.
>> Xem thêm: THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ HỢP ĐỒNG GIA CÔNG
Khi xảy ra tranh chấp, các bên có thể gửi đơn khởi kiện tới Tòa án có thẩm quyền để Tòa án thụ lý, giải quyết tranh chấp. Thẩm quyền thụ lý, giải quyết tranh chấp được xác định thông qua việc xác định:
- Thẩm quyền của Tòa án theo vụ việc ( Điều 26, Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)
- Thẩm quyền của Tòa án theo cấp ( Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)
- Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ ( Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)
Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công. Nếu còn có bất cứ thắc mắc hoặc cần tư vấn luật dân sự, tư vấn luật hợp đồng, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline: 1900.63.63.87 để được tư vấn chi tiết, cụ thể hơn.
* Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn.
Nguồn: Thạc Sĩ – Luật Sư Phan Mạnh Thăng – Luật Long Phan PMT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét