Do chưa phân biệt rõ được đâu là hợp đồng dân sự đâu là hợp đồng thương mại nên các bên đôi khi dựa vào tên hợp đồng cứ hễ “Hợp đồng thương mại”, “Hợp đồng kinh tế” thì mặc định nó là hợp đồng thương mại đến khi có tranh chấp thì mới vỡ lẽ ra là hợp đồng dân sự. Như vậy phải làm sao để phân biệt hai loại hợp đồng này? Bài viết sau đây sẽ giải đáp câu hỏi trên.
Phân biệt hai loại hợp đồng
Khái niệm hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại?
Theo quy định của BLDS 2015, khái niệm hợp đồng được quy định tại Điều 385 như sau “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy hợp đồng dân sự không đơn thuần chỉ là sự thỏa thuận để một bên chuyển giao tài sản hay thực hiện một công việc gì đó mà còn có thể là sự thỏa thuận về việc thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự đó.
Còn đối với khái niệm hợp đồng thương mại thì hiện nay Luật Thương mại 2005 chưa có định nghĩa cụ thể. Tuy nhiên căn cứ vào sự khác biệt với hợp đồng dân sự ta có thể định nghĩa hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên mà có ít nhất một bên là thương nhân về các hoạt động thương mại bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
>> Xem thêm: Tư vấn luật hợp đồng thương mại
Phân biệt hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại
Ta thường nói hợp đồng thương mại là một bộ phận của hợp đồng dân sự chính vì lẽ đó mà giữa hai loại hợp đồng có đối nét tương đồng khiến ta dễ nhầm lẫn chúng với nhau. Tuy nhiên do tính chất đặc biệt cũng như ý nghĩa to lớn trong các hoạt động kinh tế nên hợp đồng thương mại được tách riêng và được điều chỉnh riêng bởi luật thương mại.
Giống nhau của hai loại hợp đồng
- Điểm nhau đầu tiên cũng như là bản chất nhất đó đều thiết lập dựa trên cơ sở của sự tự nguyện, bình đẳng và thỏa thuận giữa các bên.
- Đều hướng tới lợi ích của mỗi bên và lợi ích chung khi giao kết hợp đồng
- Đều giống nhau về hình thức hợp đồng khi đều có thể xác lập lời nói, văn bản hay hành vi cụ thể (Điều 119 BLDS 2015; Điều 24,74 Luật Thương mại 2005)
- Nội dung của hợp đồng cũng có các điều khoản tương tự như: Chủ thể của hợp đồng; đối tượng của hợp đồng; giá cả; quyền và nghĩa vụ của các bên; phương thức thực hiện; phương thức thanh toán; giải quyết tranh chấp phát sinh nếu có.
Hợp đồng đều dựa trên sự thỏa thuận của các bên
Điểm khác nhau của hai hợp đồng
Thứ nhất, Chủ thể giao kết hợp đồng:
- Đối với hợp đồng dân sự theo quy định tại Điều 117 BLDS 2015, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch. Theo đó chủ thể giao kết hợp đồng có thể là các nhân, tổ chức (có thể có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân) chỉ cần có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự đều có thể là chủ thể của hợp đồng dân sự.
- Đối với hợp đồng thương mại, đây là loại hợp đồng mà phải có ít nhất một bên giao kết là thương nhân bên còn lại có thể là thương nhân hay là một chủ thể khác. Theo quy định tại Điều 6 Luật Thương mại 2005, thì thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
Thứ hai, khác biệt về mục đích giao kết.
- Hợp đồng dân sự thường chủ yếu nhằm đến mục tiêu dùng thông thường. Số lượng hàng hóa thường không nhiều, chỉ phục dụ cho nhu cầu tiêu dùng của bên mua. Mục đích sinh lợi không là yếu tố chủ yếu.
- Hợp đồng thương mại với mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và sinh lợi. Các bên tham gia nhằm hướng mục đích là thu lợi nhuận hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại. Thông thường hợp đồng có giá trị lớn, số lượng nhiều.
Thứ ba, pháp luật điều chỉnh.
Đây là yếu tố làm dẫn tới sự khác biệt trong xác định nhầm lẫn giữa hai loại hợp đồng. Do hợp đồng dân sự sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật dân sự còn với hợp đồng thương mại thì sẽ chịu sự điều chỉnh của của Luật Thương mại.
Chế tài xử phạt trong hợp đồng
Theo quy định tại Điều 418 BLDS 2015, thì phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Ta thấy trong hợp đồng dân sự phạt vi phạm được xem như là một hình thức bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng nên chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận.
Mức phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự do các bên tự thỏa thuận. Khi thỏa thuận về phạt vi phạm các bên có thể thỏa thuận về việc vừa chịu phạt vi phạm vừa phải bồi thường thiệt hại hay chỉ phải chịu phạt vi phạm. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Còn đối với hợp đồng thương mại do Luật Thương mại điều chỉnh thì chế tài được quy định cụ thể tại Điều 292 Luật Thương mại 2005, bao gồm các loại sau:
- Buộc thực hiện đúng hợp đồng;
- Phạt vi phạm;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng;
- Đình chỉ thực hiện hợp đồng;
- Hủy bỏ hợp đồng;
- Các biện pháp khác do các bên thỏa thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.
Tùy lỗi vi phạm mà bên bị vi phạm có quyền áp dụng các chế tài sao cho phù hợp. Riêng đối với chế tài phạt vi phạm theo quy định Điều 307 Luật Thương mại 2005, thì trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại. Mức phạt vi phạm cũng được pháp luật ấn định ở mức không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm không như hợp đồng dân sự được các bên tự do ấn định.
Khác biệt trong quy định về phạt vi phạm
>> Xem thêm: Cách xác định thiệt hại khi đối tác vi phạm hợp đồng thương mại
Cơ quan giải quyết tranh chấp
Thông thường tranh chấp các bên có được giải quyết thông qua các hình thức sau:
- Thương lượng giữa các bên.
- Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải.
- Giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án.
Điều này đã được Luật Thương mại 2005 quy định cụ thể tại Điều 317 theo đó thủ tục giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, Tòa án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Tòa án do pháp luật quy định.
>> Xem thêm: Quy trình giải quyết tranh chấp thương mại
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết “Phân biệt giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại” nếu trong quá trình tìm hiểu quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc hay vấn đề liên quan cần được giải đáp vui long liên hệ HOTLINE 1900.63.63.87 để được LUẬT SƯ HỢP ĐỒNG hỗ trợ nhanh nhất.
Nguồn: Thạc Sĩ – Luật Sư Phan Mạnh Thăng – Luật Long Phan PMT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét